Văn Miếu Sơn Tây - Nơi chuyển tải tinh thần hiếu học xưa của người dân xứ Đoài

 Văn miếu là một trong những loại hình di tích lịch sử văn hóa, nơi tôn thờ các nhà khoa bảng hiển danh và những bậc tiên hiền về nho học. Văn miếu Sơn Tây cũng chính là một địa điểm như thế. Trước đó, Văn Miếu Sơn Tây đã từng được triều đình nhà Nguyễn cho xây dựng tại làng Cam Thịnh, đến đời vua Thiệu Trị 1847 thì lại được dời về xây tại làng Mông Phụ (Cam Giá Thịnh). Đời vua Thành Thái năm thứ 3 thì được xây lại lần thứ ba tại đất Văn Miếu ngày nay. Công trình được khánh thành vào năm 1892.

Văn Miếu Sơn Tây được triều đình cho xây dựng để tôn thờ Đức thánh Khổng Tử, tứ phối (bốn học trò xuất sắc của Đức Thánh là: Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư, Mạnh Tử) và 72 vị hiền triết, cùng các danh nhân khoa bảng thuộc khu vực xứ Đoài đã đỗ đạt các danh hiệu qua các thời kỳ của chế độ phong kiến. Theo một số tài liệu ghi lại thì có khoảng 288 vị Tiến sĩ được khắc trên bia đã lưu tại Văn Miếu Sơn Tây. Đây cũng là nơi ghi dấu những buổi đàm văn, đàm đạo Khổng, nơi chuyển tải tinh thần hiếu học xưa của người dân xứ Đoài.


Theo một số tài liệu để lại, đây là công trình tiêu biểu về văn hóa, tâm linh, có quy mô bề thế và mang tầm quan trọng giống như Văn Miếu Xích Đằng (Hưng Yên), Mao Điền (Hải Dương), Bắc Ninh và một số nơi khác. Văn Miếu Sơn Tây được xây dựng trên một khu đất rộng, hình chữ nhật, xung quanh có tường xây bằng gạch đá ong bao quanh, nhìn về hướng Nam nơi có dòng Tích giang thơ mộng chảy qua. Toàn bộ di tích được dàn trải trên một trục thần đạo với nhiều hạng mục bề thế uy nghiêm chạy dọc theo hướng bắc- nam. Các công trình được xây dựng bằng chất liệu gạch đá ong, một chất liệu truyền thống của xứ Đoài nên mang một vẻ đẹp riêng hiếm có. Trải qua các giai đoạn lịch sử, nhất là sau khi hòa bình lập lại năm 1954, di tích Văn Miếu chịu nhiều sự tác động của tự nhiên và xã hội nên các hạng mục công trình đã bị xuống cấp, biến dạng.

Căn cứ vào các tài liệu gốc còn lại về Văn Miếu Sơn Tây cũng như tham khảo các di tích Văn Miếu ở các địa phương khác. Năm 2008, UBND thị xã Sơn Tây đã chỉ đạo các phòng, ban, ngành của thị xã phối hợp với các cấp, ngành liên quan thiết kế, lập dự án phục hồi và phát huy giá trị di tích Văn Miếu Sơn Tây. Đến nay, một số hạng mục chính của Văn Miếu Sơn Tây đã được phục dựng trên khu đất cũ của di tích, với tổng diện tích gần 4 ha, nằm ở vị trí gần trục đường quốc lộ 32. Bao gồm các hạng mục chính trải dài theo trục thần đạo là trục bắc - nam, hướng vào chính là ở hướng Nam như: Văn Miếu Môn, Lầu Chuông, Lầu Khánh, Tả Vu, Hữu Vu, Thượng điện, Đại Bái đường, Đền Khải thánh, sân lễ hội, phía trước là hồ sen, xung quanh là vườn cây xanh.

Vào đầu năm 2018, UBND thị xã Sơn Tây đã bàn giao di tích lịch sử Văn Miếu, xã Đường Lâm cho Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm trực tiếp quản lý. Di tích Văn Miếu sẽ tạo ra một điểm tham quan, nghiên cứu, góp phần khẳng định, chứng minh một địa chỉ tiêu biểu của kho bảo tàng văn hóa xứ Đoài, giáo dục, tôn vinh truyền thống hiếu học cho các thế hệ. Hiện tại ở đình Mông Phụ (xã Đường Lâm), dân làng vẫn còn gìn giữ được hai chiếc khánh (một chiếc bằng đồng, một chiếc bằng đá) để ở nhà tả - hữu mạc và 9 tấm bia đá là hiện vật được thu thập từ Văn Miếu Sơn Tây. Vào năm 2007, Văn Miếu Sơn Tây đã được Nhà nước ra quyết định xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Văn Miếu Sơn Tây được khởi dựng cách đây gần 200 năm, đây thực sự là địa điểm có ý nghĩa lịch sử văn hóa kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của thị xã Sơn Tây. Ngoài chức năng thờ Khổng Tử và các vị tiên hiền còn là nơi đào tạo nhân tài và lưu danh các bậc hiền tài mà danh tiếng và công lao của họ đã làm rạng danh quốc gia văn hiến, là biểu tượng của sự khuyến học, nơi để con dân Việt Nam soi vào để rèn luyện đức, tài, xây dựng một quốc gia văn minh, giàu đẹp.Văn Miếu Sơn Tây đã góp phần tô đẹp thêm truyền thống lịch sử văn hóa ở vùng Xứ Đoài nói riêng và vùng châu thổ sông Hồng nói chung. Tuy nhiên, để di tích xứng tầm với giá trị thì công tác bảo tồn và phát huy giá trị của Văn Miếu Sơn Tây luôn được chính quyền và nhân dân Sơn Tây quan tâm, chú trọng.

Nguồn: Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Sơn Tây

 

Câu chuyện về nhân vật chính trong bài thơ, bài hát “Đôi Mắt Người Sơn Tây”

 Nhà thơ Quang Dũng có nhiều bài thơ trữ tình rất hay, như: Cố Quận, Đêm Việt Trì, Tây Tiến, Đôi Bờ, Đôi Mắt Người Sơn Tây, Đường Trăng… nhưng Đôi Mắt Người Sơn Tây là bài thơ nổi tiếng và được nhiều người hâm mộ nhất.


Thi phẩm nói lên cuộc gặp gỡ của nhà thơ với người con gái trong thời loạn lạc, một thoáng quen biết rồi chia tay giã biệt trong cuộc tình buồn, ngắn ngủi:

Em ở thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến mới ra đi
Cách biệt bao lần quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì

“Em ở thành Sơn chạy giặc về”, như vậy người con gái này quê ở Sơn Tây, nhưng nàng là ai, tên gì, họ gì, làm nghề gì, gia đình ra sao và bao nhiêu tuổi?

Nhà thơ Quang Dũng

Theo nhạc sĩ Phạm Duy, bạn học cùng lớp với Quang Dũng tại trường Thăng Long, Hà Nội – Quang Dũng ngồi phía sau Phạm Duy cách hai bàn. Ông to con, nước da trắng, thân hình rắn rỏi, khỏe mạnh, đẹp trai, trông như Tây nhưng rất hiền lành. Lúc Quang Dũng còn là đại đội trưởng trong Trung đoàn Tây Tiến đóng ở Hòa Bình thì Phạm Duy cũng ở trong ban Văn công hoạt động tại đấy. Quang Dũng được nghỉ phép về thăm gia đình ở làng Phùng Xá thuộc tỉnh Hà Đông, cách Hà Nội khoảng 40 cây số, gần với Sơn Tây (sau này Hà Đông và Sơn Tây nhập lại thành tỉnh Hà Tây, bây giờ cả hai nhập vào Hà Nội), nơi có con sông Đáy đẹp như tranh vẽ. Từ Hòa Bình ở phía Nam đi lên phía Bắc về Hà Đông phải đi qua Sơn Tây, anh tạt qua nơi có tên là Kinh Đào ở gần chợ Đại, thăm người yêu tên Nhật.

Do nàng tên “Nhật”, lại đẹp như người Nhật nên bạn bè thường gọi đùa là “Akimi”. Bà mẹ Akimi khi chạy tản cư từ thị xã Sơn Tây xuống Kinh Đào, có mở một quán cà phê nhỏ để buôn bán tạm, Quang Dũng mỗi lần về ngang qua quán thường hay ghé uống. Nàng chính là “người đẹp Sơn Tây”, nguồn cảm hứng cho Quang Dũng làm “Đôi Mắt Người Sơn Tây” đầy cảm xúc:

Tôi thấy xứ Đoài mây trắng lắm
Em có bao giờ em nhớ thương

Và:

Đôi mắt người Sơn Tây
U uẩn chiều lưu lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây…

Akimi sống với mẹ trong cái quán nước đơn sơ này, nhà thơ thường hay lui tới và có lần sáng tác ngay một bài thơ ca ngợi nàng dán lên vách nứa:

Tóc như mây cuốn, mắt như thuyền
Khuấy nước Kinh Đào sóng nổi lên
Ý nhị mẹ cười sau nếp áo
Non sông cùng đắm giấc mơ tiên…

(Đây là trích đoạn bài thơ mới phát hiện sau này do chính bà Akimi Nhật – định cư ở Hoa Kỳ cung cấp).

Qua thơ, người thưởng thức vẫn thấy một bóng hình đẹp lãng mạn của người con gái mặc dầu không biết mặt. Có lần Phạm Duy cùng Quang Dũng đi xe đạp về chợ Neo, hai người chạy song song trên đường làng. Thi sĩ kể về mối tình của mình với người đẹp Akimi và đọc lên bài thơ tặng nàng:

Thương nhớ ơ hờ thương nhớ ai
Sông xa từng lớp lớp mưa dài
Mắt kia em có sầu cô quạnh
Khi chớm heo về một sớm mai (Đôi Bờ)

Sau này, chiến tranh lan rộng, Akimi theo mẹ về thành phố, bỏ lại người xưa, tan vỡ một mối tình. Tới năm 1954, nàng di cư vào Nam, sống tại Sài Gòn, đã một thời là kiều nữ của Nhà hàng Tự Do, đến năm 1975 sang Mỹ định cư. Nàng đi để lại cho Quang Dũng một nỗi nhớ ơ hờ, chỉ biết:

Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Dòng lệ thơ ngây có dạt dào…

Bài thơ càng nổi tiếng ở Miền Nam hơn khi nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc rất hay, trở thành phổ biến qua giọng ca truyền cảm của nữ danh ca Thái Thanh và sau đó là danh ca Duy Trác.

Có người ngạc nhiên khi thấy nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ một lượt hai bài thơ trong cùng một bản nhạc, đoạn đầu lấy bài Đôi Bờ, đoạn sau là phần chính thì lấy bài Đôi Mắt Người Sơn Tây, rất độc đáo, hiếm thấy trong âm nhạc.

Như vậy, chính “người đẹp” Akimi Nhật là nguồn cảm hứng cho những bài thơ bất tử của Quang Dũng, và Phạm Đình Chương là người đã chắp cánh cho thơ Quang Dũng bay cao, bay xa mãi trong lòng người…

Người vợ của thi sĩ hiện nay

Phần dưới đây được trích từ bài viết của nhà báo Trần Hoàng Thiên Kim viết về chuyến viếng thăm bà cụ Bùi Thị Thạch, vợ nhà thơ Quang Dũng hiện đang ở “Nhà Tuổi Vàng”, một ngôi nhà nho nhỏ dùng làm viện dưỡng lão tư nhân.

Trước khi đến đây tôi vẫn đinh ninh Nhà Tuổi Vàng là một trung tâm to lớn, nằm trong khuôn viên rộng có vườn cây thoáng mát để hằng ngày các cụ đi dạo hoặc ngắm cảnh như nhiều trung tâm khác tại Hà Nội tôi đã có dịp viếng thăm. Khi đến đây rồi tôi mới biết Tuổi Vàng là một căn nhà nho nhỏ nằm trong khu dân cư Linh Đàm, được chị Bình thuê để mở nhà dưỡng lão. Vì diện tích hẹp nên hiện nay nhà chỉ có 9 cụ ở. Chị cho biết chị sắp mở thêm một Nhà Tuổi Vàng thứ 2 cũng gần đây để tiện chăm sóc.

Tôi lên tầng trên gặp cụ Bùi Thị Thạch. Năm nay cụ 94 tuổi, vợ của nhà thơ Quang Dũng. Căn phòng rộng chừng hơn 10 mét vuông nhưng khá thoáng vì có cửa sổ mở ra bên ngoài.

Cô Huyền, người trông nom cụ, quê ở Phú Xuyên, Hà Nội, vừa đưa bánh bích quy cho cụ ăn vừa cho tôi biết:

– “Cụ Thạch ăn uống giỏi lắm, bánh quy của chị Bùi Phương Thảo là con gái cụ gửi vào đấy. Cụ ăn thoáng cái là hết”.

Rồi chị ngồi xuống bên cạnh cụ, vuốt tóc, chải đầu cho cụ:

– “Chị coi, 94 tuổi mà da dẻ cụ hồng hào như thế này đấy. Hồi trẻ chắc cụ đẹp hết sức. Cụ ăn uống được lắm, ngày ba bát cháo hết vèo chưa kể các đồ ăn vặt. Cái gì cụ cũng ăn được, kẹo cứng thì cụ ngậm, lấy lưỡi đưa đẩy một lúc lâu cho tan rồi xin cái khác”.

Chị kể tiếp:

– “So với cách đây 5 năm khi mới vào Nhà Tuổi Vàng thì bây giờ cụ già yếu hơn nhiều. Hầu như cụ không còn nhận ra người chung quanh kể cả chị Thảo là con gái cụ. Tuần nào cứ đến cuối tuần là chị Thảo vào thăm mẹ nhưng có lúc cụ nhận ra, có lúc không. Cụ thường lẩm bẩm khe khẽ một mình rồi vỗ vỗ hai tay vào nhau hay mân mê cái chăn, cái gối. Cụ không đi lại được vì ảnh hưởng của chân bên trái bị gãy do ngã cách đây mấy năm khi chưa vào nhà dưỡng lão”.

Tôi hỏi cụ khá lớn:

– “Cụ còn nhớ nhà thơ Quang Dũng chồng cụ không ạ?”

Cụ ngớ ra, mắt như nhìn đi đâu đâu và đang nghĩ tới việc gì:

– “Ông Dũng ấy à? Có chứ! Mãi không thấy ông ấy về, sốt cả ruột. Kỳ này ông ấy đi đâu lâu thế, chắc viết lách nhiều”.

Tôi được biết ngày trước cụ là một thợ đan len rất giỏi, thậm chí nhờ hai bàn tay khéo léo ấy mà cụ đã nuôi được 5 người con ăn học nên người, ngoại trừ cậu con trai đầu lòng bị thất lạc từ nhỏ trong khi chạy tản cư:

– “Cụ còn đan len được không ạ?”

Cụ giương mắt nhìn tôi:

– “Đan hả? Làm gì có len mà đan. Muốn đan phải mua len tốt ở Hà Nội. Chạy tản cư thì chả có len tốt được”.

Cụ im lặng một lát rồi lại vỗ vỗ hai tay vào nhau, đầu óc để tận đâu đâu coi như không có tôi ngồi đấy. Cô Huyền cho biết cụ Thạch là một trong những cụ già hiền lành nhất trong Nhà Tuổi Vàng. Tối đến, uống thuốc xong là cụ ngủ một mạch cho đến 2 – 3 giờ sáng. Hầu hết các cụ ở đây đều bị lẫn. Cụ Thạch tuổi cao đã đành, có những cụ chỉ mới ngoài 60 – 70 nhưng xem ra còn nặng hơn. Đang đêm, nhiều cụ tỉnh dậy nói một mình như đang đối đáp với người khác, la hét hoặc đi lại trong nhà.

Sau khi đến thăm cụ Thạch, tôi tới thăm, trò chuyện với chị Bùi Phương Thảo, con gái út của cụ. Chị hiện là hiệu phó trường Tiểu học Võ Thị Sáu, Hà Nội. Không chỉ bận rộn công việc ở trường, chị còn thay mặt người cha quá cố của mình làm Trưởng ban Liên lạc Hội cựu chiến binh Trung đoàn 52 Tây Tiến và là thành viên ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn nghệ xứ Đoài.

Tất bật với các công việc nhưng chị vẫn tranh thủ thời gian trò chuyện với tôi. Tôi kể chuyện mới gặp cụ Thạch ở Nhà Tuổi Vàng, chị nói:

– Thật ra thời gian đầu cụ cũng không muốn ở nhà dưỡng lão đâu. Khóc suốt đấy. Hễ thấy con cái đến là cụ năn nỉ: “Cho mẹ về nhà đi, mẹ nhớ nhà lắm”.

Nhưng rồi mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, nên tôi cố động viên mẹ ở lại để tiện việc thuốc men, chăm sóc. Bây giờ thì cụ lẫn hết cả rồi. Tuần nào tôi cũng vào thăm, ngồi chơi với cụ một lúc rồi lại phải về bù đầu với công việc.

– Cụ yếu thế, có bao giờ các anh các chị có ý định đưa cụ về nhà không? Nói dại mồm dại miệng chứ chẳng may cụ trăm tuổi, không gặp được con cháu?

Chị Thảo bùi ngùi:

– Mấy anh em chị em chúng tôi cũng có nghĩ đến. Vợ chồng người anh thứ hai tức anh lớn nhất của chúng tôi ở Thái Nguyên, rất xa trung tâm y tế, nếu cụ ở với anh chị ấy những lúc trái gió trở trời thì biết làm sao. Hồi trước cụ ở với người anh thứ nhì của chúng tôi cũng ở Hà Nội nhưng bây giờ anh ấy mất rồi, chị dâu đã hưu trí còn các cháu thì mắc đi học, không trông nom được. Hai chị gái tôi thì ở trong Nam, còn tôi tuy ở gần đây nhưng nhà là nhà tập thể, bé tí tẹo, chật chội, lại ở mãi trên tầng 3, tôi ở trong trường suốt ngày, đưa cụ về thì mình phải thuê ôsin trông nom cho cụ, đâu có tiền. Đành phải để cụ ở trong Nhà Tuổi Vàng vậy thôi, nếu chẳng may cụ có trăm tuổi thì trong ấy họ gọi điện thoại, mình chạy đến ngay cũng được.

Kết luận 

Nhà thơ kiêm họa sĩ H.H.Trang năm nay 76 tuổi, nói chuyện với tôi rằng bà Vũ Hoàng Chương (nhũ danh Đinh Thục Oanh, chị ruột của nhà thơ Đinh Hùng) lúc sắp mất tội nghiệp lắm, nằm suốt hơn 2 năm trời do tai biến mạch máu não, lưng lột cả ra mà nhà lại nghèo, có người con trai tên Vũ Hoàng Tuân nhưng cũng nghèo, mắc đi làm tối ngày nên chị (H.H.Trang) phải lui tới trông nom săn sóc giùm cho tới khi bà mất.

Tôi nghiệm ra, làm nhà thơ thời nào cũng vậy, ai cũng nghèo chứ chẳng ai giàu, còn làm vợ nhà thơ thì lại càng khổ hơn, lúc nghèo đâu có đem thơ ra mà ăn được. Chỉ làm… người yêu của nhà thơ là tốt hơn cả, yêu nhau tha thiết, trở thành nguồn cảm hứng của “chàng”, sau đó trời bắt chia tay mỗi người mỗi ngả, nhớ nhau suốt đời có lẽ lại hay. Con cá vuột mất bao giờ cũng lớn hơn con cá bắt được. Bởi vậy nhà thơ Hồ Dzếnh viết:

“Tình chỉ đẹp những khi còn dang dở.
Đời hết vui khi đã vẹn câu thề”,

kể ra cũng đúng.

Tác giả bài viết: Đoàn Dự


Đôi Mắt Người Sơn Tây

Thơ: Quang Dũng

Em ở thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi
Cách biệt bao lần quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì

Vừng trán em vương trời quê hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương
Tôi thấy xứ Đoài mây trắng lắm
Em có bao giờ em nhớ thương

Từ độ thu về hoang bóng giặc
Điêu tàn thôi lại nối điêu tàn
Đất đá ong khô nhiều ngấn lệ
Em có bao giờ lệ chứa chan

Mẹ tôi em có gặp đâu không
Những xác già nua ngập cánh đồng
Tôi cũng có thằng con bé dại
Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông

Đôi mắt người Sơn Tây
U uẩn chiều lưu lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây

Cho nhẹ lòng nhớ thương
Em mơ cùng ta nhé
Bóng ngày mai quê hương
Đường hoa khô ráo lệ

Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngắm lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn quanh phủ quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng

Bao giờ tôi gặp em lần nữa
Ngày ấy thanh bình chắc nở hoa
Đã hết sắc mầu chinh chiến cũ
Còn có bao giờ em nhớ ta

Bạn biết gì về Thị Xã Sơn Tây

 Sơn Tây là cửa ngõ phía Tây của Hà Nội, cách trung tâm thủ đô 42 km về phía tây bắc. Thị xã rộng hơn 113 km2, dân số khoảng 180.000.



Theo "Thư tịch cổ" (Đại Nam nhất thống chí), Sơn Tây xuất hiện cách đây hơn 500 năm. Năm 1469 thời Lê Thánh Tông, Trấn sở Sơn Tây đóng tại xã La Phẩm, huyện Tiên Phong, Phủ Quảng Oai (nay là Ba Vì, Hà Nội), được gọi là Sơn Tây Thừa Tuyên.

Đến thời Lê Cảnh Hưng (1740-1786), Trấn sở được dời về xã Mông Phụ, huyện Phú Lộc, Phủ Quảng Oai (nay thuộc xã Đường Lâm, Sơn Tây). Năm Minh Mệnh thứ ba 1822, Trấn sở dời về thôn Thuần Nghệ, huyện Minh Nghĩa (nay là nội thành Sơn Tây).

Năm 1831, Trấn Sơn Tây đổi thành tỉnh Sơn Tây và trấn lỵ trở thành tỉnh lỵ. Năm 1942, Pháp đổi tỉnh lỵ thành thị xã Sơn Tây.


Cột cờ thành cổ Sơn Tây. Ảnh: VNP.

Tháng 6/1965, thị xã Sơn Tây cùng với các huyện của tỉnh Sơn Tây sát nhập với tỉnh Hà Đông thành tỉnh Hà Tây. Đến năm 1979, thị xã Sơn Tây cùng một số huyện của tỉnh Hà Sơn Bình chuyển về thành phố Hà Nội.

Tháng 10/ 1991, thị xã Sơn Tây được tách và chuyển về trực thuộc tỉnh Hà Tây. Năm 2006, thành phố Sơn Tây được thành lập.

Tháng 8/2008, thủ đô được mở rộng địa giới hành chính gồm thành phố Hà Nội, tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và bốn xã thuộc huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình). Thành phố Sơn Tây trở về với thủ đô Hà Nội.

Cuối năm đó, HĐND thành phố Sơn Tây họp bất thường ra nghị quyết đề nghị chuyển đơn vị này thành thị xã. Thị xã Sơn Tây hiện có 15 đơn vị hành chính, gồm 9 phường và sáu xã.

Thành Cổ Sơn Tây - Tòa Thành Đá Ong Duy Nhất Của Việt Nam

 Thủ đô Hà Nội là nơi có nhiều di tích thành cổ nhất nước ta, ngoài hai di tích thành cổ là  Hoàng thành Thăng Long và Thành Cổ Loa nổi tiếng, còn có thành cổ Sơn Tây với lối kiến trúc độc đáo và cổ kính.

 

Cách thủ đô Hà Nội 45km về phía tây, nằm ở vùng ngoại ô, Thành cổ Sơn Tây thuộc địa phận của cả hai làng cổ là Thuận Nghệ và Mai Trai thuộc thị xã Sơn Tây. Với lối kiến trúc độc đáo, được xây dựng từ đá ong có một không hai ở Việt Nam, Thành cổ Sơn Tây đã được vua Minh Mạng xây dựng và là một trong những khu căn cứ quân sự quan trọng, bảo vệ kinh thành Thăng Long xưa.

 

Thành cổ Sơn Tây

Thành cổ Sơn Tây ngày nay - Ảnh: Sưu tầm

 

Thành cổ Sơn Tây

Cột cờ (vọng lâu) trong thành cổ tháng 4 năm 1884 - Ảnh: Sưu tầm

 

Thành cổ Sơn Tây

Cột cờ, Đoan môn và lư hương ngày nay - Ảnh: Sưu tầm

 

Thành được xây theo cấu trúc hình tứ giác, mỗi bên dài khoảng 40m, tường thành cao khoảng 5m, rộng 4m được xây chủ yếu bằng đá ong xếp chồng lên nhau. Bốn hướng Nam, Bắc, Đông, Tây đều có một cổng để ra vào có tên lần lượt là Tiền, Hậu, Tả, Hữu ứng với bốn phía.

 

Thành cổ Sơn Tây

Cửa Tiền là cổng phía Nam của thành, nằm ở đầu phố Quang Trung ngày nay - Ảnh: Sưu tầm

 

Thành cổ Sơn Tây

Cửa Hậu là cửa phía Bắc lệch Đông hướng ra sông Hồng - Ảnh: Sưu tầm

 

Thành cổ Sơn Tây

Cửa Tả là cổng thành phía Đông lệch nam nhìn ra chợ Nghệ - Ảnh: Sưu tầm

 

Thành cổ Sơn Tây

Cửa Hữu là cửa phía Tây lệch bắc  - Ảnh: Sưu tầm

 

Trên mỗi cổng thành đều xây dựng lầu canh gác hay còn gọi là vọng lâu, hai bên vọng lâu có bậc thang dẫn lên lầu canh. Trước mỗi cổng đều có hai khẩu súng thần công dùng để bảo vệ thành. Hiện nay chỉ còn hai khẩu thần công nằm ở cổng phía Bắc thành.

 

Thành cổ Sơn Tây

Cầu cửa Bắc ngày nay - Ảnh: Che Trung Hieu

 

Thành cổ Sơn Tây

Cửa Bắc thành cổ Sơn Tây với hai khẩu súng thân công còn sót lại - Ảnh: Che Trung Hieu

 

Thành cổ Sơn Tây

Vọng lâu trước cổng thành có bậc thang đi lên - Ảnh: Nghia Nguyen Huu

 

Cũng như phần nhiều các thành trì khác, xung quanh thành cổ Sơn Tây đều có kênh hào bao quanh để bảo vệ thành. Hào sâu khoảng 3m, rộng khoảng 20m và tính toàn thể chu vi khoảng 2km. Hào được nối liền với sông Tích ở phía Tây Nam của thành. Ngoài ra ở phía ngoại thành còn có La thành đắp bằng đất theo bốn hướng để bảo vệ thành.

 

Thành cổ Sơn Tây

Hào nước yên ả bao quanh thành cổ - Ảnh: vietnamarchitecture

 

Các công trình chủ yếu của thành đều xây dựng theo trục chính là hướng Nam – Bắc theo hai cửa trước – sau, bao gồm các di tích như cột cờ, vọng cung, Đoan môn, hành dinh Kính Thiên, Võ miếu.

 

Thành cổ Sơn Tây

Cột cờ thành cổ uy nghi sừng sững trong nắng gió - Ảnh: Duc Thang

 

 

Thành cổ Sơn Tây

Cổng tam quan thành (Đoan môn)  - Ảnh: Duc Thang

Chợ cổ bên ngôi thành cổ Sơn Tây

 Vùng đất Sơn Tây là một trong tứ trấn của kinh thành Thăng Long, có quan hệ gắn bó về mọi mặt như phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa... với kinh đô Thăng Long trong suốt chiều dài lịch sử.


Nói đến văn hóa Thăng Long là nói đến Kẻ Chợ. Vượt xa về tầm cỡ so với các thành thị khác nên Kẻ Chợ trở thành danh từ riêng để gọi Thăng Long. Đô thành Thăng Long-Hà Nội tồn tại như một phiên chợ khổng lồ trong thời trung đại, chính vì thế mà mạng lưới chợ là yếu tố cốt lõi không thể thiếu được trong kết cấu kinh tế thị thành.
 

Nói đến Thăng Long là nói đến kẻ chợ

Nằm giữa trung tâm thị xã Sơn Tây có một tòa thành cổ được xây bằng đá ong năm 1822, có hào sâu kè đá ong năm 1848 chạy xung quanh. Thành Sơn Tây là khu đô thị, hành chính, quân sự thời Nguyễn. Sơn Tây nằm ở vị trí đẹp, lại có đường giao thông thuỷ, bộ thuận tiện, vì thế đã nhanh chóng thu hút được những người buôn bán, nhưng thợ thủ công và dân chúng ở nhiều nơi xa gần trong vùng về tụ cư lập nghiệp ở lỵ sở Sơn Tây. Cùng với sự có mặt ngày càng nhiều của hệ thống nhân viên công chức trong chính quyền là một mạng lưới dịch vụ phục vụ đời sống của khối dân cư. Tỉnh lỵ Sơn Tây đã hình thành được một hệ thống đường phố dân cư và các công sở ở quanh mặt thành Sơn Tây, nơi đây thực sư trở thành một trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa phồn vinh của tỉnh Sơn Tây.

Năm 1924, ngân quĩ Bắc kỳ trợ cấp mới có tiền làm các việc công chính như mở mang bệnh viện, xây dựng chợ Tỉnh. Chợ Nghệ cũng từ đó mà ra đời gắn với tên làng Thuần Nghệ - tên nôm là chợ Nghệ. Các sinh hoạt văn hóa làng xã đều có yếu tố đóng góp của chợ. Chợ cũng vì thế mà đi vào trong thơ, văn tự nhiên và đẹp đẽ như một phần của đời sống tinh thần. Như ta thấy ước nguyện của đôi trai gái trong câu ca: “Ước gì mình lấy được ta/ Để cùng buôn bán chợ xa chợ gần.”

Không những là người Việt Nam mà cả người Trung Hoa hiểu phong thuỷ như tướng cờ đen Lưu Vĩnh Phúc khi đóng quân ở thành Sơn Tây qua đây đều trầm trồ khen ngợi thế đất “Nghệ Thị văn quan tiến đạt”. Song từ đó đến nay, thị xã Sơn Tây ngày càng đô thị hóa thì dấu vết phong thuỷ càng bị mờ, nơi tụ thuỷ cạn dần. Song tạo hố bù trừ mất mặt ấy lại được mặt phố xá sầm uất, buôn bán phát triển, đình Cửa Tả là nơi hội hè tế lễ, nơi hội họp đông vui của cả phố.

Chợ Nghệ có ba khu. Lấy trục chính xuất phát từ bờ hào trước cửa thành xuyên về hướng Nam cắt thành ba khu: Chợ trên, chợ giữa và chợ dưới. To lớn và bề thế chiếm gần hết mặt Thành Cửa Tả. Chợ trên nay là khu đất cơ quan Bưu điện, bên cạnh có ba quán ngói và vài chục lều gianh bán đủ các thực phẩm như thịt, cá, rau, củ, quả... là những sản vật của các vùng xung quanh. Ngoài các loại thực phẩm phục vụ sinh hoạt hàng ngày, chợ còn bán các loại hàng như tơ lụa, vải vóc, len, dạ theo tấm, nhiều thứ đắt tiền.

Ở Sơn tây nhân dân mua hàng tấm tốt thường đợi phiên chợ chứ không đến các cửa hàng to trong phố. Các đồ dùng khác có đồ đồng như mâm đồng, nồi đồng, chậu đồng... Các hàng gốm, sứ, chiếu, nón, hay các cửa hiệu tạp hóa, các hàng ăn, các loại bánh trái, gạo nước... phục vụ ăn uống và được phân chia thành từng dãy riêng biệt.

Bên phải đường có một khu gọi là Chợ dưới. Bến ô tô được hình thành ngay bên lề đường (nay là cửa hàng Bách Hóa tổng hợp đã bị cháy, hiện đang xây dựng chợ mới theo qui hoạch) rất thuận tiện cho việc phục vụ hành khách đi lại và chuyên chở hàng hóa. Chủ bến ô tô thời bấy giờ là ông Cả Kính - Một người khá giàu, có đầu óc kinh doanh phát triển kinh tế tư nhân.

Về phía tả chợ Nghệ, có ngôi chợ không có nhà chợ, là nơi buôn bán trâu, bò và các loại con giống như: lợn, gà, vịt, ngan, ngỗng, chó, mèo... những con giống mà gia đình nào cũng có nuôi trong nhà mình. Người dân Xứ Đồi có câu ca: “Chợ Nghệ thì bán trâu bò/Thái đoạn cũng lắm,chúc bâu cũng nhiều/Sơn Đông chợ họp về chiều/Chỉ lắm hàng sắn với nhiều hàng đao/Chợ Phùng hàng xén xiết bao/Chợ Gạch chỉ lắm thuốc lào nhang đen”.

Chợ Nghệ nổi tiếng là nơi buôn bán, chuyển nhượng trâu bò từ miền ngược về miền xuôi phục vụ chủ yếu trong canh tác nông nghiệp và thứ yếu làm thực phẩm. Tuy là chợ nhưng Phủ Thủ hiến Bắc Việt thời bấy giờ đã qui định việc mua bán trâu bò tại chợ phải có văn tự. Người viết văn tự phải là người có trình độ học vấn, được phép của chính quyền địa phương và cũng là người có chữ kí chứng kiến ngoài chữ kí hoặc điểm chỉ của người bán và người mua sau khi hai bên đã thoả thuận về giá cả. Trong chợ trâu bò xưa có ngôi miếu nổi tiếng linh thiêng, người buôn bán thường vào đấy cầu tài cầu lộc, có người ở tận Thanh, Nghệ mất của cũng vào đây cầu cúng.
 
Bên ngoài chợ trâu bò là các sạp hàng “laghim” bán các mặt hàng khô như măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương, đỗ, hải sản...
 

Chợ họp 6 phiên, vào ngày 3 và ngày 8 hàng tháng
 
Chợ Nghệ họp theo phiên vào các ngày mồng 3, mồng 8, 13, 18, 23, 28 âm lịch bán đủ các mặt hàng rất lịch sự, đông vui đúng như ca dao thị xã Sơn Tây có câu: “Chợ Nghệ một tháng 6 phiên / Khách đến như nước hàng tiền như mưa/ Ra về mà vẫn dây dưa/ Nhớ người mời khách say sưa duyên thầm”.

Người dân phố Cửa Tả hội về đây làm ăn sinh sống từ nhiều địa phương khác nhau như Canh, Diễn, Mỗ, Hiệp... và họ mang theo làng nghề truyền thống đến như: Tôn, thiếc, gò, hàn, buôn bán sơn ta, cánh kiến phục vụ làm câu đối, hoành phi quanh thị xã. Thời thuộc Pháp và trong thời kì kháng chiến chống Pháp, một số Hoa Kiều đã đến cư trú ở phố Cửa Tả. Nhờ nghề thuốc bắc mà sau một thời gian họ đã mua nhà cửa, xây dựng cửa hàng, cửa hiệu khang trang.

Người khách ở đầu phố–Hiệu Phúc Sinh Đường, bà con vẫn gọi là Ông Lang gầy hay Ông khách gầy. Ngoài ra sánh với người Trung Hoa, cũng có một số thầy thuốc Việt như ông Vọng Hạc mở tiệm thuốc Tây Sơn Vọng Hạc cũng là những người đức độ, chữa bệnh có uy tín, được nhân dân kímh trọng. Một số gia đình đến cư trứ thời gian này, họ làm nghề khăn xếp, mũ cát và sản xuất bánh dẻo, bánh nướng phục vụ Tết Trung Thu, các loại mứt phục vụ Tết Nguyên Đán và nhiều loại bánh kẹo khác.

Một số khác làm nghề giò chả, buôn bán đồ đồng, nhôm, nghề ảnh, sửa chữa mua bán xe đạp, máy khâu, tông đơ, dao, kéo... làm phong phú, đa dạng thêm ngành nghề cho phố Cửa Tả.

Đối diện với hiệu Phúc Sinh Đường là hiệu sách khá to Lộc Nguyên. Chủ hiệu là Ông Đinh Công Thọ, người có học vấn khá cao, cơ ngơi là một dãy nhà dài đầu phố được trưng bày các đầu sách, truyện, báo chí rất phonh phú và quí giá.

Phố Cửa Tả còn có hiệu ảnh Vinh Quang của ông Nguyễn Nhưng, nay là Nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Nhưng được giới nghệ sĩ cả nước biết đến.
 

Chợ Nghệ đang được xây mới với qui mô hiện đại
 
Công cuộc kháng chiến chống thưc dân Pháp thắng lợi, thị xã Sơn Tây được giải phóng, hòa bình lập lại. Nằm trong sự mở mang, kiến thiết phát triển của thị xã, bộ mặt Chợ Nghệ đã được trang điểm đẹp đẽ, khang trang hơn bởi Cửa Hàng Bách hố Tổng hợp. Các quầy, các dãy được qui hoạch lại tạo điều kiện thuận lợi cho kẻ mua người bán.

Do mật độ dân số ngày một tăng lên, do nhu cầu cuộc sống đòi hỏi cao hơn nên phố Cửa Tả càng phát triển. Phố Cửa Tả nay đã kéo dài theo hướng Nam tới Vườn hoa chéo và được tách ra thành phố Thuần Nghệ, rồi tiếp tục kéo dài nữa đến Chốt Nghệ và lại được tách ra thành phố Đông Hưng như tên cũ. Hiện nay, ba phố trên hợp lại với tên mới là phố Phùng Khắc Khoan.

Những năm đầu của thế kỉ 21, chợ Nghệ - Sơn Tây đã bị cháy sau một trận hoả hoạn. Nay trên nền đất cũ của Chợ Nghệ đang được xây dựng lại theo qui mô hiện đại với tổng diện tích là 11,680 mét vuông với 3 khu là: Khu vực chợ chính, khu vực chợ thực phẩm, chợ rau quả. Với qui mô 4 tầng trong đó tầng 1 hầm là nơi để xe, tầng 2,3 là nơi kinh doanh của các hộ, tầng 4 là nơi phục vụ dịch vụ vui chơi, giải trí cho nhân dân.

Nét cổ kính của Chợ Nghệ đã mờ dần theo thời gian, thay vào đó là một kiến trúc hiện đại đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân./.