Nếu ai đã đến Sơn Tây mà không thưởng thức món bánh tẻ Phú Nhi thì quả là một điều đáng tiếc.
Bánh tẻ Phú Nhi chỉ làm bằng những nguyên liệu mộc mạc, giản dị của làng quê, nhưng lại là đặc sản mà ai đã từng ăn một lần sẽ nhớ mãi, khiến bất kỳ ai đi qua mảnh đất xứ Đoài cũng muốn dừng chân thưởng thức.
Nguồn gốc ra đời của chiếc bánh tẻ gắn với chuyện tình cảm động của đôi trai gái tên Nguyễn Phú và Hoàng Nhi vẫn được lưu truyền đến hôm nay.
Theo thống kê của UBND phường Phú Thịnh, toàn phường hiện có 38 cơ sở sản xuất bánh tẻ thường xuyên và nhiều cơ sở làm theo thời vụ, tập trung ở 4 tổ dân phố Phú Nhi 1, 2, 3 và Hồng Hậu.
Năm 2007, làng nghề bánh tẻ Phú Nhi đã được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) công nhận là Làng nghề truyền thống. Năm 2010, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã cấp nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm của làng.
Từ những nguyên liệu dân dã với đời sống thường ngày của chúng ta như gạo tẻ, thịt lợn, mộc nhĩ, hành, lá dong, lá chuối đã tạo nên chiếc bánh trắng ngần, thơm ngậy, khiến khách phương xa đã đến là phải mua về làm quà.
Những chiếc bánh tẻ đã “ra bột- vào nhân” được cuộn trong chiếc lá dong rất bắt mắt và hấp dẫn.
Để làm nên chiếc bánh ngon, người thợ phải chuẩn bị rất nhiều công đoạn và tỉ mỉ trong suốt thời gian làm.
Nguyên liệu làm nên chiếc bánh ngon gồm lá bánh tẻ quê, hoặc lá dong rừng gói bên trong, lá chuối khô gói ngoài. Gạo phải chọn loại gạo ngon nhất, thơm tự nhiên, tùy theo thời tiết mà ngâm gạo, nếu thời tiết nóng thì ngâm gạo khoảng 2-3 ngày, nhưng trời lạnh ngâm lâu hơn vì như thế bánh mới ngon, mềm, không bị cứng.
Nhân bánh làm từ thịt lợn, mộc nhĩ, hành khô, chút hạt tiêu, gia vị. Chọn nhân luôn phải tươi ngon, đúng loại thịt vì nó quyết định phần lớn chất lượng, giá trị của chiếc bánh.
Những chiếc bánh tẻ đã được gói bằng những chiếc lá chuối tạo nên sự độc đáo riêng biệt.
Không chỉ có kỹ năng khéo léo với thâm niên vài chục năm trong nghề, bà Bình còn là người dạy làm bánh tẻ nhiều năm nay. Bà Bình cho biết, bình quân mỗi ngày, gia đình bà làm ra khoảng 700 - 900 chiếc. Giá bán là 6.000 đồng/chiếc, trừ chi phí, cho lãi 800 – 1.000 đồng/chiếc. Hôm nào có đơn hàng đám cưới, hội nghị thì lên tới hàng ngàn chiếc.
"Gia đình tôi chủ yếu làm theo đơn hàng nhưng cũng chẳng mấy khi hết việc. Từ tết đến giờ nhà tôi không dám nhận thêm đơn hàng nữa vì sợ làm không xuể" – bà Bình chia sẻ.
Do lợi thế nằm trên tuyến QL32, hàng ngày, bánh tẻ Phú Nhi lại theo những chuyến xe khách, xe buýt đi khắp nơi. Từ nội thành Hà Nội tới các tỉnh, thành, thậm chí còn lên máy bay vào tận Sài Gòn...
Giờ đây, bánh tẻ Phú Nhi được đóng cẩn thận trong thùng xốp hay thùng carton để khi chuyển tới tay khách hàng, bánh vẫn còn nóng và thơm. Khách phương Nam cũng đặt bánh, thậm chí khách ở Lào, Campuchia, Hàn Quốc...cũng thường xuyên đặt và thưởng thức loại bánh đặc sản này.
Giấy chứng nhận gia đình bà Phạm Thị Bình đạt chỉ tiêu an toàn thực phẩm khi tạo ra những chiếc bánh tẻ thơm ngon, dân dã.
Mới đây, được sự hỗ trợ của Phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây, chiếc tem nhãn của làng nghề Phú Nhi đã được ra lò với logo in hình cổng làng cổ kính và hai bông lúa vàng - nguyên liệu chính làm ra chiếc bánh tẻ dẻo thơm.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Bí thư Đảng ủy phường Phú Thịnh - cho biết, đến nay đã có 10 hộ đăng ký sử dụng tem nhãn trên sản phẩm. UBND phường sẽ thành lập đoàn kiểm tra, nếu hộ nào đủ điều kiện ATTP mới cấp nhãn hiệu. Việc làm này sẽ giúp cho làng nghề phát triển bền vững trước sức ép thương mại hóa.
Ngày nay, làng nghề bánh tẻ Phú Nhi đang trở thành nghề kinh tế mũi nhọn của phường Phú Thịnh, mang lại cuộc sống khá giả cho nhiều hộ gia đình.
Những chiếc bánh tẻ nóng hổi như một món ăn ngày ngày được chuyển đến bao ngõ ngách của Sơn Tây nói riêng và Hà Nội nói chung, đưa người thưởng thức trở về với tuổi thơ.
0 Comments
Đăng nhận xét